Cô ấy: [Thì ra em mới là thánh thể cắt cỏ bẩm sinh! Đưa liềm đây cho em.]
Tôi bị cô ấy chọc cười.
Tâm trạng bỗng chốc nhẹ nhõm đi nhiều.
6
Tôi đã nghĩ mình sẽ nhớ Tần Du Lễ lắm.
Nhưng một khi đã bắt tay vào việc cho gà ăn thì chẳng còn thời gian để mà nhớ nhung nữa.
Tôi thật sự rất yếu đuối.
Sau khi biết mình không phải con ruột, tôi gần như suy sụp.
Nhưng công việc đồng áng đã bù đắp lại phần nào.
Khi bận rộn, mọi thứ sẽ tạm thời bị gạt ra khỏi đầu.
Hơn một tháng trời, tôi và Bùi Doanh Khê trao đổi kinh nghiệm làm nông.
Tần Du Lễ thì tìm đủ mọi cách để nhắn gửi lời cho tôi.
Tôi thật là mâu thuẫn.
Vừa chìm trong cảm xúc tiêu cực, vừa cứng đầu dầu muối không ngấm.
Giữa tháng mười hai, theo thông lệ, Tần Du Lễ sẽ được nghỉ lễ Giáng Sinh.
Mọi năm vào thời điểm này, tôi sẽ bay sang Luân Đôn để đón lễ cùng anh.
Nhưng bây giờ, tôi sợ anh ấy sẽ coi lũ gà của tôi như gà tây mà đem đi nướng mất.
Đùa thôi.
Gia cảnh chênh lệch, không thể nào ở bên nhau được nữa rồi.
Trong thôn có tuyết đầu mùa.
Tôi quay video gửi cho Bùi Doanh Khê, cô ấy hào hứng nói muốn về xem.
Cô ấy cũng nhớ gia đình cũ của mình rồi.
Trong lúc nói chuyện, cô ấy vô tình nhắc đến: “Tần Du Lễ về nước rồi đó.”
Tôi sững người: “Vậy sao…”
Cô ấy nói: “Anh ấy cũng sẽ đến tìm chị đấy.”
Nếu anh ấy đến tìm tôi, vậy thì cứ nấu thêm một phần cháo khoai lang nữa là được.
7
Buổi tối, tôi mơ thấy Tần Du Lễ.
Anh mặc chiếc áo khoác dạ màu lạc đà, đi dưới ánh đèn thiên thần.
Tuyết trắng như tơ liễu bay lất phất.
Trong mắt anh phản chiếu ánh đèn vàng ấm áp của cả con phố:
“Đợi anh tốt nghiệp rồi, chúng mình kết hôn nhé.”
Tôi nhớ câu trả lời trước đây của mình là “Vâng”.
Nhưng trong mơ, tôi lại thành thật chà xát hai tay: “Thôi ạ, heo nái nhà em sắp đẻ rồi, em phải về nhà trước đã.”
Rồi tôi bị tiếng gà gáy đánh thức.
Tôi trở dậy, mặc chiếc áo bông chần in hoa mẫu đơn đỏ thắm.
Sau đó mang theo cám, đi về phía chuồng gà.
Cho gà ăn một lúc, rồi quay về húp bát cháo nóng hổi.
Cuộc sống cứ thế bình dị trôi qua.
Gần trưa, Bùi Doanh Khê mới đến.
Xe dừng trong sân.
Cô ấy mở cửa xe, xách tà váy chạy xuống, như chim non về tổ mà chạy vào nhà gọi “Bà nội”.
Mẹ nuôi chậm rãi bước ra.
Ngay từ cái nhìn đầu tiên khi thấy tôi, bà đã cau mày, đáy mắt thoáng một tia xót xa: “Giản Chi, con gầy đi rồi.”
Bà đến bên cạnh tôi, nắm lấy tay tôi như thường lệ: “Chịu khổ đủ rồi thì về đi con, Doanh Khê không ngại có thêm một chị gái đâu.”
Doanh Khê là một người rất tốt.
Tôi biết cô ấy không ngại, nhưng nếu tôi quay về thì sẽ không công bằng với cô ấy.
Tôi lắc đầu: “Thôi ạ. Cuộc sống như thế này, cô ấy đã trải qua hơn hai mươi năm rồi.”
Tôi biết Bùi Doanh Khê còn cần rất nhiều thời gian để hòa hợp với gia đình.
Mà tôi với mẹ nuôi lại thân thiết hơn, cũng giống bà hơn.
Gia thế nhà họ Bùi cũng đủ để cả hai cô con gái sống trong nhung lụa.
Nhưng tôi không thể nào an lòng mà chia sẻ những thứ vốn thuộc về Bùi Doanh Khê.
Tôi đã thay cô ấy sống cuộc đời tốt đẹp hơn hai mươi năm rồi.
Mẹ nuôi thở dài, không nói thêm gì nữa, đưa mắt nhìn về phía ngọn núi xa xăm.
8
Buổi trưa, bà nội làm thịt một con gà.
Hai cái đùi gà, tôi và Bùi Doanh Khê mỗi người một cái.
Trước đây tôi rất ít khi ăn thịt có xương, vì ăn trông không được tao nhã.
Bùi Doanh Khê thì chẳng chút e dè, cắm đầu vào gặm.
Mẹ nuôi cau mày, không vui liếc nhìn cô ấy một cái.
Trước mặt bao nhiêu người, bà mím môi, cuối cùng vẫn không nói ra.
Sau bữa cơm, Bùi Doanh Khê thu dọn bát đĩa vào bếp.
Mẹ nuôi ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Doanh Khê suy cho cùng vẫn không bằng con được. Con là do chính tay mẹ nuôi lớn, hiểu chuyện hơn nó nhiều.”
Tôi do dự một chút, cuối cùng vẫn chọn cách gọi dì: “Dì Vân, Doanh Khê nghe thấy sẽ buồn đó ạ. Trước đây, em ấy chỉ là không cần phải học. Sau này, em ấy sẽ ngày càng làm tốt hơn thôi.”
Bà thở dài: “Thôi được rồi, được rồi.”
Tôi gom những chiếc đĩa còn lại trên bàn, xếp chồng lên nhau rồi đi vào bếp sau.
Bùi Doanh Khê đang cầm xơ mướp rửa bát.
Động tác rất thành thạo.
Tôi đặt bát đĩa xuống, bước tới nói: “Để chị làm cho.”
Cô ấy đáp: “Em rửa sạch hơn chị đấy.”
Đúng là vậy thật.
Tôi vẫn khăng khăng: “Làm gì có chuyện để em rửa bát chứ?”
Sau vài lần tranh qua giành lại.
Bùi Doanh Khê nhường cho tôi một khoảng trống nhỏ.
“Thôi được rồi, vậy hai đứa mình cùng rửa. Xem tuyệt chiêu của em đây, đảm bảo sạch bong.”
9
Buổi chiều, Bùi Doanh Khê đeo đôi găng tay len cũ của mình, rủ tôi đi đắp người tuyết.
Cô ấy vừa vo tuyết, vừa bâng quơ trò chuyện với tôi: “Chị gái, sao chị không quen Tần Du Lễ nữa?”
Gió thổi hơi lạnh.
Tôi dùng khăn quàng che nửa dưới khuôn mặt, giọng nói ồm ồm: “Bởi vì nhà họ Tần xem trọng môn đăng hộ đối mà.”
Cô ấy nói: “Nhưng hai người thích nhau là được rồi mà.”
Tôi không muốn cứ mãi dây dưa với anh ta, để rồi đến đại kết cục lại bị trưởng bối chia cắt.
Huống hồ, Tần Du Lễ vốn dĩ nên là thanh mai trúc mã với Bùi Doanh Khê.
Tôi không biết phải nói với cô ấy những điều này như thế nào.
Chỉ cúi đầu, khẽ nói: “Đợi nhà anh ta cắt viện trợ, anh ta sẽ biết điều thôi.”
Cứ nhắc đến Tần Du Lễ, lồng ngực tôi lại hơi nhói.
Như có một tấm lưới giăng trong tim, nỗi buồn khó mà giải tỏa.
Bùi Doanh Khê: “Thôi được rồi, em không hiểu. Chúng ta vẫn nên nói chuyện về con heo nái ở nhà đi.”
Con heo nái ở nhà sắp đẻ rồi.
Cô ấy bắt đầu đếm đầu ngón tay, kể cho tôi nghe cách chăm sóc heo nái sau sinh.
Lúc nói những điều này, cô ấy nhìn tôi chăm chú:
“Giản Chi, chị đừng cảm thấy trước đây em phải chịu khổ. Thật ra em vui lắm, nhà chỉ có mình em là con, người lớn ít khi để em làm việc, là do em tự muốn giúp đỡ thôi. Đại học em cũng học chuyên ngành thú y, chính là để về làng đỡ đẻ cho heo nái.”
Cô ấy ngừng một chút, nắm lấy tay tôi:
“Đừng tự dằn vặt mình nữa.”
Tôi gật đầu, sống mũi cay cay:
“Cảm ơn em, Doanh Khê.”
10
Vừa đắp xong người tuyết, Tần Du Lễ đã đến.
Trong sân không đủ chỗ cho chiếc xe thứ hai, anh đành phải đậu xe ở đầu thôn, rồi bước lên lớp tuyết không dày không mỏng mà đi tới.
Bùi Doanh Khê lập tức đứng bật dậy, quay người chạy vào nhà: “Hai người nói chuyện đi, em chuồn trước đây.”
Tôi và anh đã ba tháng không gặp.
Trên lông mi anh vương những hạt tuyết li ti, khuôn mặt trắng lạnh bị gió thổi hơi ửng hồng.
“Giản Chi.”
“Anh không biết chèo thuyền lái tàu. Nhưng nếu em ở nơi bờ biển xa xăm, anh cũng sẽ bất chấp sóng gió để tìm kiếm viên ngọc quý là em.”
Câu nói tình tứ này, anh đã từng nói với tôi rất nhiều lần.
Nhưng tâm trạng của tôi bây giờ đã hoàn toàn khác.
Thuyền với tàu gì chứ, lần sau về nước cứ ngồi hạng phổ thông là biết điều ngay.
Tôi nói: “Không hiểu, nói tiếng người đi.”
Tần Du Lễ chịu thua: “Cho dù em ở trong thôn, anh cũng sẽ đến tìm em.”
“Chúng ta nói chuyện một chút đi, Giản Chi.”
11
Chúng tôi đi trên con đường nhỏ ở thôn quê.
Giọng anh trong trẻo như rượu, rót vào tai tôi:
“Lần đầu tiên anh thấy em mặc chiếc áo bông chần này, cũng rất đẹp.”
Tôi thở dài.
“Bây giờ em không còn là đại tiểu thư nhà họ Bùi nữa rồi.”
“Từ nhỏ em đã được dạy, cho dù là yêu đương cũng phải môn đăng hộ đối, không được đi ‘cứu đói’.”
“Ừm… tuy bây giờ em biến thành người nghèo, nhưng đạo lý cũng tương tự. Nếu trèo cao, em sẽ luôn phải thấp hơn anh một bậc.”